|
Khu CNC Hòa Lạc là địa bàn đầu tư trọng điểm của FPT, VNPT, Viettel
Hôm nay, ngày 16/2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã đến thăm, làm việc với khu CNC Hòa Lạc, Hà Nội. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cùng lãnh đạo một số bộ, ngành và Thành phố Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Ban quản lý khu CNC Hòa Lạc cho biết, do khu CNC Hòa Lạc đang trong giai đoạn tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng nên việc thu hút đầu tư chưa được kết quả như mong đợi. Tuy vậy, tiềm năng và cơ hội phát triển của khu CNC Hòa Lạc cũng được khẳng định qua việc các tổ chức quốc tế như JICA, KOICA, ADB… đã hỗ trợ tài chính và các nguồn lực khác để xây dựng và phát triển khu CNC Hòa Lạc. Một số nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn trong nước như Nissan, Viettel, VNPT, FPT… đã lựa chọn khu CNC Hòa Lạc là địa bàn đầu tư trọng điểm của mình mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng và cơ chế, chính sách.
Từ năm 2005, Ban Quản lý đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho tổng số 95 dự án. Trong quá trình triển khai hoạt động, Ban quản lý đã rà soát và tổ chức thu hồi 17 giấy chứng nhận đầu twd do không đáp ứng được các tiêu chí về công nghệ, tiến độ thực hiện dự án như đăng ký ban đầu. Như vậy, đến nay tại khu CNC Hòa Lạc có 78 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 9 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, 10 viện nghiên cứu và 3 trường đại học, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 60.019 tỷ đồng trên tổng diện tích 346,5 ha thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, đào tạo, thương mại dịch vụ và hạ tầng xã hội.
Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc thăm quan nhà máy điện tử số 2 của Công ty VNPT Technology thuộc Tập đoàn VNPT (Nguồn ảnh: Văn phòng Chính phủ) |
Cũng theo đại diện Ban Quản lý, khu CNC Hòa Lạc đã có 36 dự án đang hoạt động với khoảng trên 10.000 người đang làm việc và học tập; 12 dự án đang xây dựng, 30 dự án đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Các dự án đầu tư tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao (điện tử, viễn thông, y sinh, vật liệu mới, tự động hóa, cơ khí chính xác…), nghiên cứu và triển khai (vệ tinh, quốc phòng, an ninh, CNTT, công nghệ sinh học, năng lượng xanh, đo lường, kỹ thuật động cơ…) và giáo dục đào tạo nhân lực công nghệ cao. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2016 đạt 2,436 tỷ USD. Các trung tâm nghiên cứu của Viettel, Nissan đã nghiên cứu nhiều công nghệ và giải pháp phục vụ phát triển những sản phẩm chiến lược của các tập đoàn này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng nhân viên Công ty FPT Software |
Đáng chú ý, tại khu CNC Hòa Lạc, FPT được đánh giá là nhà đầu tư lớn nhất và hiệu quả nhất với 2 dự án: Làng phần mềm FPT và trường Đại học FPT. Trong đó, dự án Làng phần mềm FPT có quy mô 6,4ha, là dự án đầu tiên và lớn nhất trong lĩnh vực phần mềm được triển khai và đưa vào sử dụng tại khu CNC Hòa Lạc với 5.000 lập trình viên, cán bộ nhân viên làm việc; nghiên cứu, triển khai 250 dự án cho hơn 100 khách hàng Nhật Bản; doanh thu lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT năm 2016 đạt 230 triệu USD, tăng 24% so với năm 2015; quy mô nhân lực đạt trên 10.000 người, tương đương Top 15 công ty phần mềm lớn của Ấn Độ.
Với dự án trường Đại học FPT, có quy mô 30 ha, cơ sở đào tạo của Đại học FPT tại khu CNC Hòa Lạc hiện có 4.000 sinh viên, giáo viên đang học tập và làm việc (trong tổng số gần 20.000 sinh viên trường đã và đang đào tạo). Trong năm 2016, Đại học FPT có 800 sinh viên tốt nghiệp với tỷ lệ có việc làm đạt 96% sau 12 tháng ra trường.
Ban quản lý khu CNC Hòa Lạc cho hay, so với suất đầu tư bình quân tại các năm trước đây khoảng từ 7 - 10 triệu USD/ha, suất đầu tư trên 1 ha năm 2016 đã tăng lên thành 13,1 triệu USD. Ban quản lý đang đặt kế hoạch nâng suất đầu tư bình quân trong năm 2017 sẽ đạt trên 15 triệu USD/ha và tiến tới đạt mức tương đương với một số khu khoa học thành công trong khu vực.
Cần tạo dựng thương hiệu cho khu CNC Hòa Lạc
Trao đổi tại buổi làm việc, ý kiến các bộ, ngành và các đơn vị đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc như Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, VNPT, Viettel, FPT… cho rằng cần có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Khu CNC; giải quyết dứt điểm vấn đề giải phóng mặt bằng và quan tâm xây dựng hạ tầng, gồm các khu xã hội chứ không chỉ tập trung vào các khu chức năng. Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, Ban Quản lý đang chuẩn bị cho giai đoạn mới là giai đoạn tăng tốc, thu hút đầu tư và phát triển tiềm lực KHCN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc (Nguồn ảnh: Văn phòng Chính phủ) |
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá báo cáo Ban Quản lý Khu CNC đã bám sát mục tiêu xây dựng Khu CNC Hòa Lạc thành một thành phố khoa học và công nghệ; một đô thị sinh thái và thông minh; là nơi tập trung, liên kết hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển CNC; ươm tạo CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC; ứng dụng, chuyển giao CNC; sản xuất và kinh doanh sản phẩm CNC; cung ứng dịch vụ CNC. “Đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã đạt một số kết quả nhất định, đã dần có hình hài của khu công nghệ cao”, Thủ tướng nhận định.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập như: giải phóng mặt bằng chậm trễ; sự đóng góp cho phát triển chưa như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và giới khoa học công nghệ; số lượng dự án CNC còn quá ít so với các khu CNC và ngay cả với các khu công nghiệp điện tử; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn nhiều hạn chế.
Thủ tướng nhấn mạnh cán bộ lãnh đạo và quản lý của khu CNC phải thay đổi cách nghĩ, cách làm tốt hơn, ngoài việc đầu tư hạ tầng chuẩn mực, cần sàng lọc, lựa chọn, thu hút các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có hàm lượng tri thức cao, làm sao mỗi sản phẩm đi ra từ khu CNC Hòa Lạc phải là những sản phẩm chất lượng cao, đạt được sự thừa nhận của người sử dụng ở các nước tiên tiến. Phải làm sao để các doanh nghiệp cảm thấy tự hào được đặt nhà máy, dự án ở Khu CNC này. Nói cách khác cần tạo dựng thương hiệu cho khu CNC.
Ngoài vườn ươm nhân tài, khu CNC Hòa Lạc cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế để các nhà khoa học Việt Nam đem trí tuệ, ý tưởng khoa học, giải pháp kỹ thuật đến để thử nghiệm sản xuất. Có chính sách thỏa đáng, có cơ sở vật chất, có phòng thí nghiệm, có môi trường nghiên cứu thông thoáng và từ đó, chúng ta mới có những sản phẩm trí tuệ của người Việt.
Các bộ, ngành liên quan như: Tài chính, KH&ĐT, KH&CN cần coi trọng và phát triển khu CNC Hòa Lạc là dự án trọng điểm, cần ưu tiên nguồn vốn và thường xuyên làm việc, kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ, để động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà khoa học ở Hòa Lạc tìm kiếm, phát hiện đột phá về khoa học.
“Sáu tháng một lần, Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng xuống đây nghe lại một lần, chứ không phải nói một lần là xong”, Thủ tướng nêu rõ. Khu CNC Hòa Lạc không chỉ đơn thuần là một khu công nghệ mà là một hình mẫu của nền kinh tế Việt Nam thu nhỏ trong tương lai, trong đó các thực thể kinh tế hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ cao, đi đầu trong việc nghiên cứu và ứng dụng các thành quả của khoa học công nghệ, lấy sáng tạo làm động lực phát triển.
Cho ý kiến chỉ đạo, giải quyết các kiến nghị, vướng mắc cho khu CNC Hòa Lạc, Thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội cùng với Ban Quản lý khu CNC Hòa Lạc phải giải phóng mặt bằng xong trong năm 2017, “không để kéo dài sang tuổi thứ 21”. Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng phương án bổ sung đủ vốn để giải phóng mặt bằng và tiến tới hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu CNC Hòa Lạc.
Thành phố Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ, “coi như nhà mình có việc”, “xắn tay áo” trong giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng. Thủ tướng lưu ý thành phố mở tuyến xe buýt đến khu CNC, tạo điều kiện cho công nhân đi làm, không để một doanh nghiệp phải bỏ ra 30 tỷ đồng mỗi năm cho xe buýt vận chuyển người lao động như thông tin của Tập đoàn FPT. Hà Nội phối hợp với Khu CNC Hòa Lạc xây dựng nơi đây thành trung tâm khởi nghiệp, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học để phục vụ phát triển lâu dài; phối hợp xúc tiến đầu tư.
Thủ tướng nêu rõ Chính phủ ủng hộ chủ trương ưu tiên tập trung nguồn lực từ nguồn vốn khoa học công nghệ để phát triển nhanh tiềm lực khoa học và công nghệ tại khu CNC Hòa Lạc, trước mắt tập trung đầu tư phát triển khu nghiên cứu và triển khai. Thủ tướng đồng ý việc Khu CNC Hòa Lạc phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng để xúc tiến đầu tư cấp Chính phủ vào khu CNC. Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của khu CNC Hòa Lạc.
Thủ tướng lưu ý công tác quản lý quy hoạch, quản lý môi trường trong Khu CNC Hòa Lạc để thực sự là CNC trong thời đại mới, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xanh, sạch, phát triển bền vững, thành phố đáng sống để sáng tạo khoa học công nghệ.